Dầu mỏ đã đóng vai trò then chốt giúp Nigeria chuyển mình, tuy nhiên do giá “vàng đen” tuột dốc mạnh trong thời gian gần đây, chính phủ nước này liền khuyến khích người dân trở về với đồng ruộng để cải thiện “sức khỏe” nền kinh tế.
Sự lựa chọn số 1
Năm 2004, ngành khai thác dầu mỏ chiếm 48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nigeria, trong khi cùng thời kỳ, đóng góp của nông nghiệp giảm và chỉ giữ 16%. Kết hợp với dân số tăng mạnh, Nigeria trở thành một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, theo Cục Thống kê Quốc gia Nigeria, GDP của nước này trong quý hai năm 2016 đã tụt lùi 2,06 % so với cùng kỳ năm trước. Quá dựa dẫm vào dầu mỏ đã khiến Nigeria chịu tổn thương lớn khi giá “vàng đen” xuống dốc, ngân khố thất thu và tháng 7 vừa qua đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong 11 năm – 17,1%.
Theo Bộ Nông nghiệp Nigeria, ở thời điểm hiện tại đất nước Tây Phi này nhập khẩu 20 tỉ USD thực phẩm mỗi năm. Giá thực phẩm nhập khẩu thường không ổn định, đơn cử như một bao gạo 50 kg của Thái Lan hiện nay đang ở mức 20.000 naira (khoảng 63 USD), trong khi đó đầu năm 2016, giá chỉ 8.000 naira.
Tình trạng hiện tại đã buộc chính phủ Nigeria tìm phương pháp xúc tiến phát triển bền vững, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari thì kêu gọi đa dạng hóa kinh tế nước này. Do vậy nông nghiệp – ngành bị bỏ rơi trong thời kỳ bùng nổ “vàng đen”- được coi là hướng đi sáng giá nhất.
Với 84 triệu ha đất trồng trọt trải dài từ những khu rừng ở phía Nam cho đến sa mạc Sahara ở phía Bắc, Nigeria có thể sản xuất một lượng nông sản đủ cho nhu cầu nội địa và thậm chí là xuất khẩu.
Tại bang đông nam Imo, Thống đốc Rochas Okorocha đã khích lệ các công nhân viên chức làm việc chỉ hai ngày và dành toàn bộ thời gian còn lại trong tuần để trồng sắn, ngô và khoai. Còn ở bang Benue và bang Sokoto, người lao động được tạo điều kiện để nghỉ làm sớm và họ có thể toàn tâm toàn ý vào trồng trọt.
Những rào cản
Tuy nhiên con đường quay về với nông nghiệp không chỉ trải hoa hồng. Anh nông dân Lukman Busari tâm sự với phóng viên hãng tin AFP rằng khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn đang bóp nghẹt sự phát triển của ngành này.
Anh Busari nói: “Người nông dân thấy rất vất vả để có được khoản vay với mức lãi suất hợp lý”. Đồng thời anh giải thích rằng mức lãi suất 14% đã làm giảm đáng kể lợi nhuận từ nông trại sắn của anh ở bang phía tây nam Ogun.
Nông dân Oluranti Adeboye, người quay lại với đồng ruộng từ năm 2008 sau khi nghỉ việc ở một cơ quan nhà nước, cho biết nguồn điện lúc được lúc mất và đường xá xấu đã làm hạn chế sự phát triển kinh doanh nông nghiệp của ông.
Người dân Nigeria cũng hy vọng được nhìn thấy đất nước phát triển không chỉ về sản xuất mà cả khả năng chế biến. Nhà bình luận trên tờ This Day – ông Simon Kolawole nêu rõ: “Nếu chúng ta muốn đa dạng hóa kinh tế ngoài dầu mỏ và tạo ra những giá trị hẳn hoi thì nông nghiệp phải sinh ra công nghiệp”.
Một vài cá nhân tiên phong đã quyết định dấn thân biến điều này thành hiện thực. Ngoài việc xây dựng nhà máy làm tương cà chua, thương nhân châu Phi giàu có Aliko Dangote còn đầu tư 1 tỉ USD vào trồng lúa và lứa thu hoạch đầu tiên được dự đoán sẽ ra thị trường địa phương vào tháng 12.
Điều này đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trong nhiều năm người dân Nigeria được thưởng thức món cơm truyền thống nóng hổi trộn với nước sốt cà chua có nguyên liệu 100% “made in Nigeria”.
(Nguồn: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/tu-vang-den-nigeria-ve-voi-dong-ruong-20160925213532417.htm)