Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nigeria (NAEC) vừa có cuộc họp, nhằm thực hiện thỏa thuận giữa Nigeria và Nga về ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Cuộc họp do Ủy ban Điều phối Chung tổ chức tại Abuja Nigeria.
Mục tiêu của Ủy ban Điều phối Chung là đưa ra một bản thỏa thuận, trong đó nêu rõ trách nhiệm của cả hai bên và đưa ra các cột mốc quan trọng mà hai bên cần đạt được, để đảm bảo mục tiêu chung trong việc xây dựng cơ sở hạt nhân trên lãnh thổ Nigeria.
Phát biểu bên lề cuộc họp, ông Komarov cho biết, Nigeria và Nga đã ký kết một thỏa thuận liên chính phủ vào tháng 6/2012 về hợp tác thiết kế, xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ của Nigeria.
“Chúng tôi rất tự hào rằng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Nigeria sẽ được xây dựng với công nghệ hạt nhân của Nga và chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đạt được mục tiêu này”, ông Komarov nhấn mạnh.
Trong năm 2016, một thỏa thuận tương tự cũng đã được ký kết trong việc hợp tác xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Hạt nhân. Việc xây dựng trung tâm nghiên cứu là bước khởi đầu và quan trọng nhằm hướng tới sự phát triển của chương trình hạt nhân ở Nigeria.
Theo đó, Trung tâm sẽ tập trung phát triển chuyên môn và tìm kiếm các ứng dụng mới của công nghệ hạt nhân trong khoa học, y học, nông nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác.
“Trung tâm nghiên cứu sẽ được hoàn thiện trước nhà máy điện hạt nhân, nhằm tạo một cơ sở vững chắc cho phát triển hạt nhân trong tương lai. Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ được ký kết vào nửa đầu năm 2018”, ông Komarov nói.
Có 5 ban công tác kỹ thuật (WG) phụ trách các công việc cụ thể liên quan đến từng mảng của dự án, bao gồm: Ban phát triển nguồn nhân lực, ban phát triển hạ tầng hạt nhân, ban phụ trách địa điểm xây dựng nhà máy, ban quản lý tài chính, và ban phụ trách các vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý.
Ông Komarov lưu ý rằng, mặc dù Nigeria là quốc gia có tiềm năng kinh tế rất lớn, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Phi, nhưng Nigeria cũng cần phải nâng cao hạ tầng năng lượng để thực sự phát huy hết tiềm năng của mình. Với dân số hơn 170 triệu người, nhưng công suất điện quốc gia của Nigeria chỉ đạt được khoảng 6,6 GW. Trong khi đó, Nga có dân số 140 triệu và công suất điện quốc gia đạt 220GW. Trên thực tế, dưới 50% số hộ gia đình ở Nigeria được sử dụng điện, và các doanh nghiệp ở Nigeria cũng là những doanh nghiệp khó tiếp cận với mạng lưới điện nhất so với các doanh nghiệp khác trên thế giới.
Ông Komarov nhấn mạnh năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng đáng tin cậy, thân thiện với môi trường với giá cả phải chăng. Ông cho biết “Điều quan trọng ở đây là việc năng lương hạt nhân là nguồn năng lượng có thể dự tính trước. Một lợi thế không thể phủ nhận của năng lượng hạt nhân là các nhà máy điện hạt nhân không tiêu hao lượng nhiên liệu lớn như các nhà máy điện truyền thống sử dụng hydrocarbon. Nếu giá uranium tăng gấp đôi, chi phí sản xuất điện sẽ chỉ tăng khoảng 3%.Trong khi đó, nếu giá khí đốt tăng gấp đôi, chi phí sản xuất điện sẽ tăng 70%. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn với các hộ gia đình mà còn rất quan trọng đối với các doanh nghiệp lớn”.
(Nguồn: http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-hat-nhan-nang-luong-tai-tao/dien-hat-nhan/nga-nigeria-hop-tac-su-dung-dien-hat-nhan-vi-hoa-binh.html)