The College Board, tổ chức quản lý kỳ thi kiểm tra năng lực học thuật (SAT), vừa thông báo sẽ áp dụng một thang điểm mới nhằm đánh giá hoàn cảnh kinh tế – xã hội của thí sinh, từ đó ghi nhận nỗ lực của mỗi cá nhân.
Thông tin trên được tường thuật đầu tiên bởi báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 16-5. Đây là thay đổi đáng chú ý của tổ chức The College Board trong bối cảnh hàng loạt đại học Mỹ đang dính gian lận điểm và chạy trường.
Cụ thể hơn, The College Board cho biết sẽ áp dụng cái gọi là “Environmental Context Dashboard” (tạm hiểu là tiêu chí hoàn cảnh môi trường). Nó sẽ tính toán các yếu tố như tỉ lệ tội phạm, mức độ nghèo đói… tại khu vực thí sinh ở.
Theo thống kê của hội đồng, điểm thi SAT của học sinh da trắng trung bình cao hơn học sinh da đen khoảng 177 điểm và cao hơn học sinh gốc Mỹ Latin khoảng 133 điểm, trong khi học sinh châu Á lại thường đạt điểm cao hơn học sinh da trắng khoảng 100 điểm.
Số liệu cũng cho thấy con em của những gia đình giàu có và có trình độ đại học thường học tốt hơn các bạn cùng lớp.
Mục đích của đánh giá là để nắm bắt được nỗ lực của mỗi cá nhân trong cuộc sống, ví dụ như cùng một thành tích nhưng xuất phát điểm của hai thí sinh có thể rất khác nhau, người thì thuận lợi, người thì khó khăn.
“Có nhiều tài năng và tiềm năng chờ đợi được phát hiện trong mỗi cộng đồng – trẻ em của các gia đình nông thôn nghèo, trẻ em vượt qua khó khăn của cuộc sống thành thị, người thân của quân nhân… Do đó, bất cứ bài thi nào cũng nên tính đến yếu tố hoàn cảnh quan trọng này” – ông David Coleman, lãnh đạo điều hành The College Board, mô tả.
“Environmental Context Dashboard” đã được áp dụng tiên phong tại 50 trường cao đẳng và đại học ở Mỹ, tổ chức quản lý hi vọng sẽ nhân rộng ra các trường khác trong năm học tới.
Sinh viên sẽ được chấm điểm trên thang từ 1-100 dựa trên các dữ liệu như Điều tra dân số Hoa Kỳ hoặc của Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia. Điểm 50 được xem là trung bình, trên 50 biểu đạt sự khó khăn tăng dần trong hoàn cảnh sống.
Các trường đại học sẽ được tiếp cận “điểm số hoàn cảnh” trong quá trình xét tuyển hồ sơ, nhưng sinh viên và gia đình họ không được biết điểm này.
Tuy nhiên việc tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” vấp phải rất nhiều chỉ trích từ phía các học sinh và phụ huynh bởi theo họ, “hoàn cảnh không thuận lợi” không chỉ là vấn đề chủng tộc hay giàu nghèo. Nhiều học sinh da trắng vẫn phải sống trong những hoàn cảnh bố mẹ không quan tâm, bị bạo hành tâm lý và phải tự lực cáng đáng mọi việc trong gia đình không ai biết và không ai chia sẻ.
Cách đây 20 năm, Hội đồng thi tuyển ĐH đã định áp dụng tính điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” như vậy nhưng không triển khai được vì vấp phải sự phản đối của các trường.
Điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” được tính dựa trên 15 yếu tố, bao gồm những yếu tố như tỉ lệ tội phạm và mức độ nghèo của trường trung học nơi học sinh đó theo học cũng như của khu phố nơi học sinh đó sinh sống.
Các học sinh không được biết điểm này của mình nhưng các trường đại học được tiếp cận điểm số này của học sinh khi cân nhắc xét duyệt hồ sơ.
Năm ngoái đã có 50 trường sử dụng thang điểm “hoàn cảnh không thuận lợi” trong xét duyệt tuyển sinh và Hội đồng thi tuyển ĐH của Mỹ dự định sẽ nhân rộng cách tính này ở 150 trường ĐH trong đợt tuyển sinh mùa thu sắp tới và sau đó sẽ tiếp tục áp dụng rộng rãi ở nhiều trường hơn nữa trong năm tiếp theo.
PHÚC LONG