Xuất xưởng 2.000 bộ phim/năm, đôi khi chỉ với kinh phí sản xuất dưới 20.000 USD cho một tác phẩm, nền công nghiệp điện ảnh độc đáo của Nigeria với tên gọi “Nollywood” hiện đang được xếp vào danh sách một trong những trung tâm của môn nghệ thuật thứ bảy bên cạnh Hollywood và Bollywood. Vậy điều gì đã khiến nền công nghiệp phim ảnh Nigeria thịnh vượng như vậy?
Đi lên từ tác phẩm “cây nhà lá vườn”
Năm 1992, bộ phim có tên “Living in Bondage” được thực hiện với kinh phí chỉ 12.000 USD trong vỏn vẹn 1 tháng đã tạo nên cơn sốt ở Nigeria kéo theo 1 triệu băng video được tiêu thụ tại các sạp hàng rong. Chính từ đây Nollywood ra đời với đặc trưng là phim kinh phí thấp.
Một số nhà sản xuất, diễn viên, đạo diễn lý giải rằng bí quyết khiến các bộ phim ngân sách hạn hẹp không có bất cứ sự tài trợ nào của chính phủ và có phần hậu kỳ khá đơn giản của Nigeria lại phát triển là nhờ nội dung gần gũi với cuộc sống của người dân châu Phi.
Phim của Nollywood phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, chính trị của “Lục địa Đen”, từ tình yêu đến xung đột tôn giáo, tham nhũng… hoặc khiến người xem bay bổng trí tưởng tượng với “phép thuật” của các thầy cúng, bùa phép… Kịch bản phim Nollywood thường phổ biến cốt truyện như nàng công chúa được phát hiện tại một ngôi làng hay tình yêu lãng mạn nhưng bị cha mẹ ngăn cấm giữa chàng công tử nhà giàu và cô gái bán cam nghèo khó hoặc cậu con trai ngoan ngoãn được hưởng thừa kế từ người cha trưởng làng bất chấp sự hãm hại của mẹ kế…
Một yếu tố khác góp phần cho sự thành công của các bộ phim Nollywood là ngôn ngữ. Tiếng Anh thường được ưu ái sử dụng tạo điều kiện giúp phim Nollywood dễ dàng được đón nhận ở nhiều nước châu Phi khác.
Franco Sacchi, nhà làm phim người Italy bị choáng ngợp bởi nền công nghiệp phim ảnh của Nigeria và thậm chí sản xuất bộ phim tài liệu đạt giải thưởng có tiêu đề Welcome to Nollywood (Chào mừng đến với Nollywood), đã bổ sung thêm phân tích: “Các nhà sản xuất phim Nollywood thật dũng cảm, đặc biệt ở một số thời điểm, như đầu và giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi không có nhiều lựa chọn và điều kiện thì họ đã tóm ngay lấy bất cứ dụng cụ sẵn có để tạo ra câu chuyện bằng hình ảnh của họ”. Theo Sacchi, trong những năm gần đây, chính cách mạng công nghệ đã mở ra cánh cửa mới để các nhà làm phim Nollywood có thể thỏa sức sáng tạo với mức ngân sách mà họ trang trải được.
Bản quyền và lợi nhuận
Vào tháng 4/2014, Nollywood lần đầu ghi danh trong dữ liệu kinh tế của Nigeria, một dấu hiệu cho thấy tiềm năng phát triển cũng như tầm ảnh hưởng của nền công nghiệp điện ảnh này. Theo đó, Nollywood được ước tính có giá trị khoảng 4,3 triệu USD hoặc tương đương 1,2% GDP của Nigeria.
Hình mẫu của Nollywood trước đây là một máy kiếm tiền rất hiệu quả, ngân quỹ sản xuất hạn chế nhưng chỉ cần một tiếng vang nhỏ cũng có thể tạo ra khoản lãi kha khá. Theo Lancelot Oduwa Imasuen, một đạo diễn có trong tay khoảng 150 bộ phim trong 20 năm sự nghiệp, thì chuyện một tác phẩm với chi phí sản xuất 40.000 USD thu về 300.000 USD từ đĩa VCD giá gần 2 USD/chiếc là khá phổ biến.
Và trung tâm của nền công nghiệp này nằm ở hệ thống phân phối Byzantine, tọa lạc tại khu chợ sầm uất Alaba ở trung tâm Lagos, luôn đảm nhận trách nhiệm tung ra những bộ phim mới nhất lên các kệ hàng và đến tay người xem qua đội ngũ người bán hàng rong ở khắp ngõ ngách trên toàn đất nước. Một trong những bộ phim đoạt danh thu lớn nhất trong lịch sử Nollywood là “Ije: The journey” phát hành năm 2010 đã thu được 500.000 USD.
Nhưng đến nay Nollywood đang dần thay đổi. Vấn đề bản quyền đã gây ảnh hưởng tới việc phân phối DVD bởi theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), 90% đĩa DVD ở Nigeria là sao lậu trái phép. Do vậy Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari vào đầu năm 2015 đã yêu cầu đẩy mạnh việc bán đĩa có bản quyền để tạo điều kiện cho nhà sản xuất và diễn viên nhận được thù lao xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Bên cạnh đó, việc khai thác doanh thu từ các rạp chiếu phim thay cho băng đĩa như trước cũng đang nở rộ ở Nollywood. Ayo Sewanu, Tổng Giám đốc của Silverbird – tập đoàn đã mở rạp chiếu phim hiện đại đầu tiên ở Nigeria trong năm 2004 chia sẻ: “Đó là xây dựng nền văn hóa. Có rất nhiều cơ hội để mở rộng”.
Đến cuối năm 2014, Nigeria có 23 rạp chiếu phim trên đất nước 170 triệu dân cho thấy tiềm năng chưa được khai thác hết ở quốc gia với dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng này.
Giấc mơ chinh phục thế giới
Nhiều nhà làm phim người Nigeria đang ngày càng “dấn thân” hơn, họ tạo ra các bộ phim với chi phí lớn trong khi cùng thời điểm hy vọng có thể nâng cao chất lượng nghệ thuật bởi trong ngành công nghiệp điện ảnh số lượng không đồng nghĩa với chất lượng. Khi đã chinh phục được cả đất nước và châu lục thì hiện tại họ đang tìm đường phát triển ra toàn cầu.
Vượt qua khuôn khổ Lagos, các nhà làm phim Nigeria được chào đón tại các thảm đỏ ở London, Houston và New York. Điển hình như bộ phim hài tình cảm “30 Days in Atlanta” của đạo diễn Robert Peters và các minh tinh hàng đầu Nollywood như Ramsey Nouah và Desmond Elliot được khán giả quốc tế để mắt. Hay bộ phim “The CEO” mới đóng máy vào cuối tháng 10/2015 đang rất được chờ đợi với dàn diễn viên đa quốc gia từ Nam Phi, Kenya, Bờ Biển Ngà cho tới Morocco.
Nhiều nhà làm phim Nigeria đã rất chú tâm đến tầm quan trọng của dịch vụ video theo yêu cầu, đặc biệt khi họ muốn có kết nối với khán giả quốc tế. Ở một đất nước mà internet đã tiếp cận 40% dân số thì điều này vẫn còn nhiều thời gian để thử nghiệm. Bên cạnh đó, việc phân phối phim đã phát triển mạnh nhờ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, tạo điều kiện để Nollywood chinh phục khán giả khắp châu Phi.
Ngay cả hệ thống phim trực tuyến có mạng lưới không ngừng lớn mạnh Netflix còn dành hẳn một chuyên mục cho nền công nghiệp phim của Nigeria hứa hẹn đem Nollywood đến gần hơn với khán giả thế giới.
(nguồn: https://baotintuc.vn/van-hoa/su-troi-day-cua-nollywood-tai-nigeria-20160215194840696.htm)