Du học là một cuộc đầu tư đầy hào phóng của bố mẹ, vì thế, có mục tiêu, có động lực rồi hẵng đi; đừng để “có lúc lại chạnh lòng tự nghĩ, mình đang làm gì ở nơi này nhỉ, mình nên tiếp tục học không hay dừng lại”.
Sau khi đọc bài viết về cuộc sống du học màu xám với những khẳng định chắc nịch rằng cuộc sống du học khồng hề có chút sung sướng nào, Việt Nam vui hơn, sướng hơn rất nhiều. Ở Việt Nam cái gì cũng có, có bố có mẹ, có gia đình, có nhiều người yêu thương, có cùng tiếng nói, cùng cộng đồng
Thu Anh, du học sinh Việt tại Southern Methodist University (Hoa Kỳ) đã có bài viết “phản pháo”, liệu đi du học có khổ như vậy không? Thu Anh cũng chia sẻ rằng cô bạn không phủ nhận góc nhìn của nhân vật trong bài phỏng vấn kia mà chỉ muốn đem lại một góc nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống du học sinh Việt.
Du học là một quyết định đổi đời!
Du học như một bức tranh mà chúng ta là người hoạ sĩ. Mọi người thường bắt đầu vẽ trên một tấm canvas trắng. Tấm canvas đó sẽ trở thành bức tranh với tông màu nào là do người hoạ sĩ lên ý tưởng và chọn màu. Nõ cũng tương tự như một học sinh lên kế hoạch và chuẩn bị các bước để đi du học vậy. Do đó, nếu một hoạ sĩ đổ lỗi cho chất lượng màu làm cho tác phẩm của anh ta không đẹp, chắc hẳn câu đầu tiên anh ta nên được nghe sẽ là: “Nghề của anh là vẽ. Sao anh không chuẩn bị kỹ hơn?” Trường hợp của người hoạ sĩ ấy cũng tương tự như một người học sinh khi đi du học “không hề chuẩn bị gì, từ tâm lý đến đồ đạc, trang thiết bị cá nhân” và rồi kể rằng cuộc sống du học của tôi chỉ toàn màu xám.
Thứ nhất, điểm TOEFL và SAT của chúng ta có thể chỉ ở mức đủ dùng, nhưng để đi du học thì ít nhất chắc chắn rằng mình có khả năng nghe để còn hiểu giáo sư nói gì, sau đó rồi mới đến các kỹ năng khác. Nếu chưa chắc mà vẫn đi, thì việc học bước đầu có vất vả là hệ quả có thể lường trước được. Lúc đó thì ta cần cố gắng và tìm sự giúp đỡ từ phía giáo sư, chứ không phải đổ lỗi chung chung cho cuộc sống xa xứ khó khăn hay “gặp giáo sư chỉ muốn trốn luôn.” Chương trình học khó chúng ta đều thừa nhận và chia sẻ. Tuy nhiên, cách đối mặt với khó khăn như trên không nên được cổ suý.
Thứ hai, một lần nữa, quyết định du học là một quyết định đổi đời. Với những bạn xuất thân từ gia đình trung lưu như mình, đó còn là một quyết định đắt đỏ, một cuộc đầu tư đầy hào phóng của bố mẹ. Vì thế, có mục tiêu, có động lực rồi hẵng nên đi. Đừng để “có lúc lại chạnh lòng tự nghĩ, mình đang làm gì ở nơi này nhỉ, mình nên tiếp tục học không hay dừng lại.” Mình phí mấy tháng tuổi xuân thì cũng tạm gọi là hơi buồn, nhưng phí một đống tiền của bố mẹ chỉ vì “hoá ra con chưa nghĩ kỹ” thì thực sự là vô trách nhiệm.
Chuyện tình yêu màu xám?
Đừng nói là sang tới Mỹ bạn mới biết Mỹ với Việt Nam cách nhau 12 tiếng đồng hồ, mới biết yêu mà ở cách nhau nửa vòng trái đất có nhiều thử thách, mới biết nỗi buồn là hệ quả tất yếu của cái việc chia tay.
Bạn hiểu và chấp nhận yêu xa, thì một lần nữa, đó vẫn là quyết định cá nhân của bạn, vẫn là trách nhiệm của bạn để chuẩn bị tâm lý cho tất cả các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cái trách nhiệm chuẩn bị và vực dậy bản thân ấy thực ra vẫn luôn là của chúng ta, kể cả khi ta ở nhà hay đi du học, nên cũng đừng đặt nó lên vai bạn bè hay người thân. Đừng bao giờ kể khổ rằng yêu xa rồi sẽ chia tay!
Cuộc sống du học màu gì là do mình chọn
Mang mác du học sinh được 16 tháng, mình vẫn hay gọi về kể với bố mẹ là chương trình học bên này khó hơn con tưởng. Khi còn ở Việt Nam, mình và nhiều người vẫn nghĩ là “Tây nó học nhàn hơn, dễ hơn”. Nhưng than thở thế thôi, còn việc cố gắng vẫn là nghĩa vụ và là cơ hội mà mình và rất nhiều người bạn du học sinh cần trân trọng. Vì có nhiều bạn có khả năng hơn, có khát khao cháy bỏng hơn nhưng cơ hội chưa đến, không đủ điều kiện đi du học, dù muốn cũng chưa thể bay xa.
Cuộc sống du học, màu gì là do mình chọn. Kể cả khi vài nét đầu màu có hơi u ám, thì hoạ sĩ mình vẫn tìm cách đổi màu cho bức tranh được. Và để đổi màu cho cuộc sống du học sinh, thì tất cả chỉ nằm gọn trong hai từ Cố Gắng, đã đi du học rồi thì đừng hối hận và thở than.
Mình mạn phép “lộng ngôn” với bài viết này, âu cũng vì muốn những bạn chuẩn bị đi du học đọc những bài viết than thở về cuộc sống du học có cái nhìn đa chiều và chuẩn bị tốt hơn cho bản thân mình; để không ai phải đi vào sai lầm của người đi trước, nhụt chí, và lấy đó làm cái cớ để nạn nhân hoá bản thân và thôi kiên cường.
Tóm lại, hãy học cách chịu trách nhiệm chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.
Thông tin tác giả bài viết
Nguyễn Thu Anh du học sinh Southern Methodist University (Hoa Kỳ).
Kết thúc năm học đầu tiên, Thu Anh lọt top 5% có thành tích cao nhất trường, có tên trong bảng danh dự “Honor Roll with High Distinction”, trở thành Trưởng ban quan hệ công chúng của tổ chức ALPFA (Association of Latino Professionals in Finance and Accounting – (Hiệp hội các chuyên gia về tài chính và kế toán tại trường đại học).